TS. Lê Hồng Sơn đề xuất cho phép người mua xe máy điện trước đây, chưa đủ giấy tờ có thể đăng ký nhưng phải làm cam đoan (có xác nhận).
Chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện "đăng ký xe máy điện: muốn mà không được", ông Lê Hồng Sơn (Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp) cho rằng nên áp dụng theo cách sang tên xe không chính chủ.
Theo quy định, xe máy điện phải đăng ký và gắn biển số. Tuy nhiên đến nay cơ quan công an vẫn chưa thể giải quyết thủ tục cho chiếc xe nào vì chủ sở hữu không đủ hồ sơ giấy tờ.
Khó cho người dân, khó cả cơ quan đăng ký
TS. Lê Hồng Sơn phân tích: Theo quy định hiện nay, đăng ký xe máy điện phải có đầy đủ giấy tờ như: chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với xe nhập nhập khẩu), phiếu kiểm tra chất lượng đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Tuy nhiên doanh nghiệp bán xe lại không thể cung cấp được cho người mua những giấy tờ này.
Người dân muốn được đăng ký xe máy điện nhưng đành "bó tay" vì không đủ giấy tờ. Cơ quan đăng ký và cấp biển số cũng gặp khó khăn tương tự. Người dân đi xe ra đường lại sợ CSGT phạt vì không đăng ký.
Ông Sơn phân tích tiếp: Hiện nay, hệ thống quy chuẩn hồ sơ về việc đăng ký xe máy (mô tô 2 bánh như xe Honda, Yamaha…) là tương đối thuận lợi. Nhưng Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an hoặc một vài bộ, ngành liên quan chưa có các quy chuẩn cụ thể rõ ràng đối với xe máy điện. Chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật đầy đủ cũng như quy định về một bộ hồ sơ đi liền với xe máy điện như mô tô xe máy. Đa số chủ sở hữu xe máy điện chỉ có vài thứ giấy tờ rất đơn giản, không phù hợp với yêu cầu của cơ quan công an khi làm thủ tục đăng ký, cấp biển số.
Với các quy định hiện hành, khi sản xuất, nhập khẩu xe máy điện, các đơn vị đầu mối không thể đưa ra được bộ hồ sơ như đang áp dụng đối với mô tô, xe máy. Các cửa hàng cũng như người mua xe máy điện không có một bộ hồ sơ giống xe mô tô. Quy định hiện hành đang "đánh đố" người sản xuất, người nhập khẩu cũng như người sử dụng xe máy điện. Cửa hàng bán xe không cung cấp được đầy đủ giấy tờ. Cơ quan công an lại yêu cầu giấy tờ mới làm thủ tục. Người dân đứng ở giữa không biết phải làm sao.
"Đương nhiên đối với cơ quan đăng ký xe, tôi hiểu và thông cảm rằng, họ không thể làm thủ tục, cấp biển cho xe máy điện mà hồ sơ không đủ giấy tờ quy định." - Ông Sơn nói.
Xe máy điện sẽ phải đăng ký.
Áp dụng cách sang tên xe máy "không chính chủ"
Câu chuyện này cũng giống như "xe không chính chủ" trước đó. Nhưng mới đây Bộ Công an đã cho phép làm thủ tục sang tên xe không chính chủ bằng cách làm cam đoan mà không đòi hỏi đầy đủ các thứ giấy tờ như trước.
"Đó là một việc tốt." - Ông Sơn đánh giá.
Để giải quyết câu chuyện xe đạp điện, theo ông Sơn, có thể áp dụng cách thức như sang tên cho xe mô tô không chính chủ vừa qua.
Theo đó, ông Sơn đề xuất, cho phép chủ sở hữu xe máy điện mang hồ sơ, giấy tờ hiện có cùng bản cam đoan (có xác nhận) đến cơ quan công an làm thủ tục đăng ký, cấp biển số. Cách làm này, trong một thời gian hợp lý, có thể giải quyết được những trường hợp đã mua xe máy điện từ trước đến nay.
"Cách làm này cần được hướng dẫn kịp thời, cụ thể của Bộ Công an." - Ông Sơn nhấn mạnh.
Mặt khác, ông Sơn cho rằng cần nghiên cứu xây dựng một thông tư hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, giấy tờ mà cơ sở sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh xe máy điện phải cấp cho người mua. Cơ quan công an căn cứ vào hồ sơ, giấy tờ này để làm đăng ký, cấp biển số.
"Hồ sơ, giấy tờ thế nào cần được tính phù hợp với xe máy điện nhưng chắc không đến mức chính quy, đầy đủ như bộ hồ sơ của một xe mô tô 2 bánh". - Ông Sơn nêu quan điểm.
Nguồn:http://24h.com.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét