Bác sỹ Tập (khoa Ngoại, bệnh viên Bạch Mai, Hà Nội) là người làm việc cùng với bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường. Khi xảy ra chuyện đối với người đã từng là đồng nghiệp của mình, bác sỹ trẻ này có nhiều chia sẻ rất "lặng lòng".
Bác sỹ Đinh Văn Tập tâm sự: "Tôi đã từng làm việc cùng nguyên bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường – vị bác sỹ "nổi tiếng" trong vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường. Theo đánh giá của nhiều đồng nghiệp và của cả tôi, bác sỹ Tường là người có chuyên môn khá vững về chuyên ngành xương khớp, chỉnh hình nên nhiều bác sỹ trẻ như chúng tôi "hâm mộ" chuyên môn của anh ta. Bởi, giữa chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp hoàn toàn khác nhau.
Tôi cũng đã từng là bác sỹ phụ mổ cho anh ta. Vì vậy, ngay trong buổi sáng anh Tường bị bắt, các đồng nghiệp thấy bác sỹ này khá căng thẳng, làm gì cũng vội vàng. Thậm chí có bác sỹ trẻ như chúng tôi chào nhưng anh Tường không trả lời. Bình thường, anh rất hoà nhã và hay giúp đỡ bác sỹ trẻ. Hôm đó, chắc quá căng thẳng và sợ sệt, nên mới có ứng xử như vậy. Cũng từ hôm bác sỹ Tường bị bắt, tôi vào phòng mổ với tâm lý khó khăn hơn. Tôi thấy nỗi sợ mơ hồ của nghề nghiệp bủa vây, dù luôn luôn xác định mình phải làm tốt".
Trường hợp bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường phẫu thuật cho chị H. đã xong, sau phẫu thuật mới xảy ra biến chứng và gây ra cái chết đến mức sợ hãi phải phi tang. Bác sỹ Đinh Văn Tập cho biết: "Ca mổ có thời gian lâu ở khoa Ngoại như ung thư dạ dày, cắt dạ dày, ung thư thực quản... và ca mổ ít thời gian về xâm lấn ổ bụng là mổ ruột thừa. Tất cả nhưng phẫu thuật ấy đều được các bác sỹ tính toán chính xác để cho người bệnh ít chịu đau đớn nhất".
Bác sỹ Đinh Văn Tập.
Đến giờ, bác sỹ Đinh Văn Tập vẫn nhớ như in đêm trực đầu tiên của anh tại bệnh viện: "Đó là một ca cấp cứu được chuyển lên từ Hải Dương, nạn nhân bị thùng sơn nổ vào người, cơ thể gần như bị cắt ngang, đứt lìa, tuy nhiên vẫn thoi thóp thở. Khoa Hồi sức không còn giường nên bệnh nhân nặng phải nằm hồi sức ngay tại phòng khám. Trên người của bệnh nhân ấy vẫn đậm đặc mùi sơn.
Tôi "bóp bóng" cho bệnh nhân nữ đáng thương ấy. Ở bên cạnh một bệnh nhân thoi thóp thở, tim tôi đập liên hồi như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Cả kíp trực làm việc rất khẩn trương và chính xác. Trong lúc khó khăn nhất, tôi thấy mình bình tĩnh trở lại. Tôi ao ước mình có phép lạ làm cho cô gái thoát khỏi cơn hiểm nghèo. Tôi đã dồn toàn tâm toàn lực vào việc "bóp bóng", hồi sức cho bệnh nhân.
Bốn tiếng đồng hồ trôi qua, tim cô gái bắt đầu rời rạc và ngừng đập. Bác sỹ tìm mọi cách cấp cứu cho cô gái, vừa tiêm thuốc trực tiếp vào tim vừa ép tim nhưng không có kết quả. Trong lúc bác sỹ lập biên bản tử vong, tôi đã tự tay mình đưa toàn bộ ruột của cô gái (bị rơi ra ngoài lúc nổ sơn) vào ổ bụng và khâu lại để người nhà đưa về quê an táng. Một tuần sau, hình ảnh một cô gái trẻ bị đứt ngang người, ruột lòi hết ra ngoài, mắt trợn ngược, chết trong phòng cấp cứu vẫn còn ám ảnh tôi".
Hình ảnh này có lẽ là hình ảnh mà bác sỹ Tập nhớ nhất, bởi lần đầu tiên, anh cảm thấy bất lực trước cái chết, trước số phận con người. Sau đêm trực ấy, bác sỹ Tập nhận ra rằng, bác sỹ khám chữa bệnh không chỉ đơn thuần vì trách nhiệm mà còn phải gắn tình người vào trong đó. Những người bác sỹ làm việc vì tình thương và trách nhiệm của đồng loại với nhau thì sẽ rất khác với việc kiếm được bao nhiêu tiền.
"Ngoài những yếu tố may mắn thì những yếu tố về tâm linh, tinh thần cũng giúp cho những bác sỹ làm phẫu thuật như chúng tôi đỡ bị căng thẳng", bác sỹ Tập thành thật. Nhiều khi, sau cuộc phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh dậy, khỏe mạnh, thì các bác sỹ cũng rất vui mừng, cả ê–kíp còn ôm chầm lấy nhau vì ca mổ đã thành công. Đối với những ca mổ sọ não, sợ nhất là việc bệnh nhân cứ lịm dần mà không có dấu hiệu tỉnh. Theo bác sỹ Tập, việc phẫu thuật sọ não cần đến sự chính xác, bởi ở đầu, các mạch máu được bố trí dày đặc, chỉ cần sơ ý một chút là xảy ra biến chứng, có khi máu phun vào cả kính của bác sỹ đang đeo.
| Ám ảnh lây nhiễm căn bệnh thế kỷ Ngoài những ám ảnh về sự sống và cái chết diễn ra ngay trong phòng phẫu thuật, thì các bác sỹ trực cấp cứu cũng có nguy cơ lây nhiễm HIV. Theo bác sỹ Tập thì, đã có nhiều bác sỹ bị lây nhiễm khi tham gia phẫu thuật cho những bệnh nhân mắc căn bệnh thế kỷ từ những thao tác, đụng chạm thông thường. Vì thế, xác định dấn thân vào nghề thì bác sỹ phải tự xác định con đường của mình là cứu sống một mạng người là trách nhiệm, bổn phận và quyền lợi, dù rằng, chính mình sau đó bị lây nhiễm bệnh. |
Nguồn: http://www.24h.com.vn/
0 nhận xét:
Đăng nhận xét