Home » » Quốc hội nên chọn 'tư lệnh ngành' nào để chất vấn- TIN TỨC 24H

Quốc hội nên chọn 'tư lệnh ngành' nào để chất vấn- TIN TỨC 24H

"Ý kiến người dân về việc lựa chọn các bộ trưởng, trưởng ngành để chất vấn là một kênh thông tin để Quốc hội tham khảo trong việc lựa chọn các tư lệnh ngành đăng đàn", Đại biểu Dương Trung Quốc nói.

Chất vấn và trả lời chất vấn là một trong những nội dung quan trọng nhất của Quốc hội. Đây là hoạt động thể hiện tính kết nối giữa cử tri, đại biểu và các vị đứng đầu ngành, làm sáng tỏ những vấn đề quan trọng mà cử tri cả nước quan tâm trong tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội.

Một tuần trước khi diễn ra phiên chất vấn, VnExpress.net tiến hành thăm dò ý kiến độc giả về việc lựa chọn các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn, với mong muốn thêm một kênh kết nối để độc giả thể hiện sự quan tâm tới các vấn đề của từng lĩnh vực, đồng thời để Quốc hội tham khảo trong việc lựa chọn các "tư lệnh ngành" đăng đàn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ là người "chốt" lại 3 ngày chất vấn trực tiếp. Ảnh: Nhật Minh.

Bày tỏ sự ủng hộ, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, đây là việc làm cần thiết. "Sáng kiến này vừa là sự thăm dò ý kiến người dân, vừa là sự định hướng xã hội theo chiều hướng tốt. Cơ quan chức năng có thể tham khảo kết quả thăm dò vì nó chỉ ra mối quan tâm xã hội hiện đang tập trung vào vấn đề nào. Từ đó lựa chọn người trả lời chất vấn phù hợp", nhà sử học nói.

Là người quan sát nghị trường lâu năm, một lãnh đạo Văn phòng Quốc hội khẳng định, hiện đứng đầu trong danh sách được nhiều ý kiến đại biểu quan tâm là Bộ trưởng Y tế. Chỉ tính riêng trong năm nay, ngành y liên tiếp xảy ra các sự cố: hàng loạt trẻ em tử vong sau khi tiêm vắc xin; nhân bản kết quả xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội), tai biến sản khoa hay vụ bác sĩ thẩm mỹ viện Cát Tường phi tang xác nạn nhân gây chấn động dư luận gần đây.

Theo thông lệ, việc lựa chọn bộ trưởng nào trả lời trực tiếp tùy thuộc vào mức độ quan tâm của cử tri và đại biểu đối với lĩnh vực mà người đó đang điều hành. Vào ngày thứ 3 tuần tới, 19/11, Quốc hội sẽ bắt đầu 3 ngày chất vấn. Danh sách các "tư lệnh ngành" đăng đàn sẽ được chốt lại sau khi Ủy ban thường vụ Quốc hội tổng hợp ý kiến từ các đoàn đại biểu.

Lĩnh vực giao thông vẫn nổi cộm với nỗi lo thường trực của người dân trong hoàn cảnh ngày nào Việt Nam cũng có "sự kiện thế giới" về tai nạn (so sánh của Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, về số lượng thương vong do tai nạn gây ra). Qua các con số báo cáo, Bộ Giao thông khẳng định bắt đầu kiềm chế được số lượng vụ tai nạn. Song mức độ nghiêm trọng của từng vụ lại là vấn đề chưa có lời giải. 10 tháng đầu năm, tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của hơn 7.800 người.

Đại biểu Dương Trung Quốc cho hay, ông không ngạc nhiên nếu bộ trưởng y tế, giao thông hay giáo dục luôn nằm ở nhóm đầu mong muốn chất vấn của cử tri. Tuy nhiên, ông cũng đánh giá, những vấn đề thuộc các lĩnh vực này không phải có thể giải quyết được ngay, cũng như không thể một sớm một chiều là các vị "tư lệnh ngành" giải trình xong. Điều quan trọng, theo ông, là đánh giá chính xác các biện pháp và có quyết tâm thực hiện để cải thiện tình hình.

Bạn có thể click vào ảnh hoặc vào đây để biểu quyết những người mà bạn cho rằng Quốc hội nên chọn để chất vấn.

Ở một lĩnh vực khác, cuộc cải cách tư pháp tiến hành nhiều năm qua đã thể hiện quyết tâm cải thiện chất lượng của ngành tư pháp. Tuy nhiên, vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn đã cho thấy ngành cần có những bước đi quyết liệt hơn. Chia sẻ vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) khẳng định, ưu tiên số một của ông khi lựa chọn trưởng ngành trả lời chất vấn là Chánh án TAND tối cao. Ông Phương muốn nghe giải trình của Chánh án về những vụ tòa xử sai đang tồn đọng, tòa tuyên không thi hành được, tuyên không rõ nội dung, thậm chí tuyên sai.

Liên quan đến tình hình kinh tế, trong bối cảnh ba năm liên tiếp không đạt mục tiêu tăng trưởng, nhiều doanh nghiệp phá sản và lần đầu tiên thu ngân sách không đạt kế hoạch, nhiều đại biểu sốt ruột với các biện pháp để lấy lại đà phục hồi. Còn tái cơ cấu - một trong những nội dung trọng tâm để đưa kinh tế phát triển vững chắc hiện vẫn chưa thu được nhiều kết quả.

Tình trạng đói vốn của doanh nghiệp dù lãi suất đã giảm cũng được nhiều đại biểu đặt ra, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp tích cực để tháo gỡ.

Ngoài ra, còn rất nhiều các lĩnh vực, vấn đề được quan tâm như đề án đổi mới toàn diện và căn bản giáo dục đào tạo, tình trạng thực phẩm độc hại, ô nhiễm môi trường, đạo đức xã hội xuống cấp ... cũng đặt ra những yêu cầu giải trình đối với các vị trưởng ngành liên quan.

Tại phiên chất vấn ngày 19-21/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có nửa ngày báo cáo và trả lời chất vấn. Quốc hội cũng dành nửa ngày thảo luận về báo cáo thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ sau 3 lần chất vấn ở các kỳ họp trước. Hai ngày còn lại sẽ dành cho các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn.

Theo tổng hợp của Đoàn thư ký, hiện đã có hàng chục đại biểu gửi văn bản chất vấn tới Thủ tướng và hơn 20 vị "tư lệnh" ngành. Ngày 12/11, đoàn thư ký kỳ họp thứ 6 đã đưa danh sách gợi ý các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ trả lời chất vấn ở kỳ họp này.

Đó là Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát (vừa đăng đàn ở kỳ họp trước); Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình; Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son; Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân; Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình.

Ngoài các trưởng ngành nêu trên, nhiều bộ trưởng khác sẽ có mặt để cùng giải trình, giải đáp các vấn đề liên quan tới ngành mình.

 

Nguồn: http://www.24h.com.vn/

0 nhận xét:

Đăng nhận xét